Cho đi là còn mãi: Thanh niên 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Nam bệnh nhân 18 tuổi chết não đã hiến 2 quả thận, giác mạc, gan, tim để cứu chữa cho các bệnh nhân khác. Việc hiến tạng do Bệnh viện Thống Nhất phối hợp các bệnh viện khác thực hiện.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân chết não hiến tạng cho 7 người, ngày 17.11 Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam N.P.K (18 tuổi, quê An Giang) bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu trong tình trạng hôn mê sâu.
Dù đã được tận tâm cứu chữa nhưng tình trạng của bệnh nhân ngày càng nặng, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình về bệnh tình của bệnh nhân.
Sau đó, Chi hội vận động hiến ghép mô tạng Bệnh viện Thống Nhất đã gặp gỡ gia đình bệnh nhân và họ đồng ý hiến tạng khi bệnh nhân chết não.
Sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, các chuyên gia quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy tạng vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 24.11.
Ca phẫu thuật thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.
Các đơn vị tạng được hiến gồm 2 quả thận được ghép cho 2 bệnh nhân hiểm nghèo tại Bệnh viện Thống Nhất,
1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức,
1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Tri ân nghĩa cử của gia đình khi đồng ý hiến tạng của bệnh nhân chết não
PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, quá trình đánh giá chết não của bệnh nhân được tiến hành 3 lần, các chuyên gia từ các bệnh viện họp hội đồng, hội chẩn đánh giá chết não để xem được còn có thể cứu chữa được không.
Sự thành công của quy trình hiến tạng của bệnh nhân đến từ tinh thần nhân văn của gia đình bệnh nhân đồng ý cho hiến tạng.
Cùng với quy trình điều phối, phối hợp nhịp nhàng của chuyên gia các bệnh viện, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, cùng cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển.
Ban giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã phân công các bộ phận tổ chức hậu sự chu đáo cho người hiến tạng và đưa về an táng tại quê nhà.
TS-BS Trần Công Duy Long, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết một phần gan trái đã được hiến cho một cháu bé 3 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,
phần gan còn lại được hiến cho một bệnh nhân bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối tại Bệnh viện Việt Đức (TP.Hà Nội). Riêng cháu bé 3 tuổi sau khi được ghép gan đã tự thở, nói chuyện được ngay trong ngày ghép.
Ngày 19.5.2024, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã diễn ra lễ phát động phong trào ‘Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi’, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Điều đặc biệt, Thủ tướng đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng – Gieo mầm sự sống” vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người.
Sau sự kiện này, rất nhiều người tình nguyện đăng ký hiến tạng.